Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

KHÔNG PHẢI CÓ TIỀN MỚI LÀM RA TIỀN

Image
Vào năm 1985, Kim – vợ tôi và tôi không có nhà để ở. Chúng tôi đều bị thất nghiệp và chẳng còn một đồng xu nào trong tài khoản tiết kiệm của mình. Thẻ tín dụng đã bị xài hết mức. Chúng tôi phải ngủ qua đêm trong một chiếc Toyota sờn nâu cũ kỹ. Khi đến ngày cuối của một tuần nọ, chúng tôi bắt đầu thấm thía thực tế phũ phàng trước mắt mình, luôn bị dằn vặt bởi những câu hỏi chúng tôi là ai, đang làm gì và cuộc đời chúng tôi sẽ trôi về đâu.

Tình trạng vô gia cư của chúng tôi kéo dài thêm hai tuần. Cuối cùng, một người bạn thông cảm với tình hình tài chính thê thảm của chúng tôi đã cho chúng tôi về ở trong một căn phòng tầng hầm dưới nhà cô. Chúng tôi đã cư trú ở đó trong suốt chín tháng trời ròng rã.
Chúng tôi giữ kín chuyện của mình với mọi người. Vợ tôi và tôi cố giữ bề ngoài trông thật bình thường. Cho đến khi bạn bè và gia đình biết cảnh ngộ khốn khổ của chúng tôi, câu hỏi đầu tiên của họ luôn là: “Tại sao anh không kiếm lấy một công việc?”.
Lúc đầu chúng tôi còn cố giải thích, nhưng riết rồi chúng tôi thấy không đủ khả năng lý giải nguyên nhân của mình với mọi người. Đối với một người coi trọng công ăn việc làm, thật khó lòng giải thích cho người ấy hiểu lý do tại sao mình không muốn kiếm việc làm.
Dĩ nhiên, chúng tôi cũng phải làm thêm một vài công việc tạp nhạp đây đó, nhưng những đồng tiền cỏn con đó chỉ cốt để làm no lòng bao tử của mình và đổ xăng đi lại. Những đồng lương ít ỏi ấy chúng tôi coi chúng chẳng khác nào như những lít xăng đẩy chúng tôi theo đuổi mục tiêu duy nhất của mình. Tôi phải thừa nhận rằng trong những tháng năm đầy hoài nghi dằn vặt đó, ý tưởng về một việc làm ổn định, an toàn với đồng lương khấm khá thật hết sức cám dỗ với chúng tôi. Nhưng bởi vì sự bảo đảm việc làm không phải là những gì chúng tôi tìm kiếm, nên chúng tôi phải vật lộn hàng ngày trên bờ vực tiền bạc gian nan đó.
Năm đó, năm 1985 là năm khốn khó nhất trong cuộc đời của chúng tôi, và dài đằng đẵng như cả thế kỷ. Người nào nói tiền bạc không quan trọng chắc chắn người ấy chưa bao giờ nếm mùi không có tiền bạc trong một khoảng thời gian dài. Kim và tôi cứ liên tục cãi vã và tranh luận. Sợ hãi, lo âu về một tương lai mù mịt và cái đói gặm nhấm hợp lại càng làm tăng kịch tính cảm xúc của con người, khiến chúng ta thường xuyên gây gổ với người thương yêu chúng ta nhất. Thế nhưng, tình yêu mãnh liệt đã nối kết hai đứa chúng tôi lại với nhau, làm cho chúng tôi càng gắn chặt nhau hơn để đương đầu trước nghịch cảnh. Chúng tôi thừa biết chúng tôi đang đi theo hướng nào, nhưng chỉ có điều chúng tôi không biết mình có thể đi đến đích được hay không.
Chúng tôi biết rõ mình lúc nào cũng có thể xin được một việc làm bảo đảm với mức lương hậu hĩnh. Cả hai đứa chúng tôi đều tốt nghiệp đại học, có chuyên môn vững và thái độ làm việc rất nghiêm túc. Nhưng chúng tôi không nhắm tới sự bảo đảm việc làm đó. Điều mà chúng tôi nhắm tới chính là sự tự do về tài chính cho bản thân mình.
Vào khoảng năm 1989, chúng tôi trở thành triệu phú. Mặc dù chúng tôi giàu có trong con mắt của nhiều người, nhưng bản thân chúng tôi vẫn chưa thỏa mãn vì chưa đạt được giấc mơ của mình. Chúng tôi vẫn chưa đạt được sự tự do thực sự về tiền bạc. Mãi đến năm 1994, giấc mơ ấy mới tròn hiện thực. Từ đó trở đi đến cuối cuộc đời, chúng tôi sẽ không phải làm công cho ai nữa. Ngoại trừ một thảm họa tài chính bất ngờ ụp xuống, cho đến nay chúng tôi hoàn toàn được giải phóng về mặt tiền bạc. Lúc ấy, Kim tròn 37 tuổi và tôi được 47 tuổi.
Không phải có tiền mới làm ra tiền
ImageSở dĩ tôi bắt đầu cuốn sách này với tình trạng không nhà cửa và nghèo túng của mình bởi vì tôi thường nghe mọi người nói, “Phải có tiền mới làm ra tiền”.
Tôi không đồng ý với quan điểm đó. Từ tình trạng vô gia cư vào năm 1985 cho tới lúc trở nên giàu có vào năm 1989 và sau đó được sự tự do về tài chính vào năm 1995, quá trình ấy không hề bắt đầu với tiền bạc. Khi chúng tôi khởi sự, chúng tôi làm gì có tiền mà còn bị mắc nợ.
Cũng không phải cần có một nền học vấn chính quy đỗ đạt mới làm ra tiền. Tôi tốt nghiệp đại học, nhưng tôi dám nói thẳng rằng sự tự do về tiền bạc mà tôi đạt được chẳng ăn mơ rễ má đến những gì tôi được học ở đại học. Tôi chẳng hề sử dụng một tí gì từ những môn tôi được dạy về tích phân, lượng giác, hóa học, vật lý, văn chương Pháp, hay văn chương Anh.
Nhiều người thành công trong đời thường bỏ ngang đại học. Những nhân vật như Thomas Edison, người sáng lập tập đoàn General Electric; Henry Ford, chủ tập đoàn hãng xe Ford; Bill Gates, cha đẻ tập đoàn Microsoft; Ted Turner cha đẻ hãng thông tấn xã CNN; Micheal Dell, người sáng lập tập đoàn máy vi tính Dell Computer; Steve Jobs, người sáng lập tập đoàn máy tính Apple Computer; và Ralph Lauren, người sáng lập hãng may mặc Polo. Bằng cấp đại học chỉ quan trọng đối với những chuyên ngành cổ điển chứ không ích lợi gì đối với việc những nhân vật đó làm cách nào trở thành tỷ phú. Những con người đó đã tự tạo ra ngành kinh doanh thành công riêng cho mình và đó chính là điều mà Kim và tôi hằng khát khao đạt đến.
========================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét